TỔ CHỨC LỄ HỘI CÚNG LÚA MỚI NĂM 2024
Nhằm gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã và các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Krông Nô. Đồng thời, lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống, nâng cao tính tập thể và sinh hoạt cộng đồng. Qua đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trong 02 ngày 09 – 10/11/2024 UBND xã Nam Xuân phối hợp với UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông long trọng tổ chức xây dựng mô hình truyền thống văn hóa phi vật thể, truyền dạy kỹ năng thực hiện tổ chức Lễ hội truyền thống và tổ chức các môn thể thao truyền thống năm 2024.
Việc Tổ chức xây dựng mô hình truyền thống văn hóa phi vật thể, truyền dạy kỹ năng thực hiện tổ chức Lễ hội truyền thống và tổ chức các môn thể thao truyền thống là dịp để cộng đồng các dân tộc và thế hệ trẻ trên địa bàn xã nói riêng và trên địa bàn huyện Krông Nô nói chung hiểu thêm về Lễ hội Cúng lúa mới của người Thái và các môn thể thao truyền thống, nhằm gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Lễ hội cúng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới (theo tiếng Thái là: kín khầu mơ) là một trong những lễ hội quan trọng nhất của dân tộc Thái, là một nét đẹp văn hóa đặc sắc, món ăn tinh thần của người Thái nơi đây. Lễ hội diễn ra sau khi thu hoạch xong, bà con tổ chức lễ cúng để cảm ơn trời đất cho mùa màng tốt tươi. Khi nương lúa ngả màu vàng, bà con người Thái ra đồng cắt lúa rồi cùng nhau làm cốm, đơm xôi, cúng lúa mới và sum vầy bên nhau sau những ngày lao động vất vả.
Lễ hội Cúng lúa mới được thể hiện qua 2 phần gồm Phần lễ và phần hội. Tại phần lễ, có nhiều lễ vật được chuẩn bị chu đáo để cúng thần linh còn tại phần hội có nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc Thái như: Diễn tấu khua luống cồng chiêng, khua luống, những điệu múa xòe, nhảy sạp và những tiết mục văn nghệ giao lưu với các dân tộc khác cùng các trò chơi dân gian đa dạng... Lễ Cúng lúa mới cũng là điểm nhấn về văn hóa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa cộng đồng người Thái với các dân tộc khác trên địa bàn.
Thông qua Lễ hội này, hy vọng rằng cộng đồng các dân tộc xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung. Đồng thời, quảng bá các di sản văn hóa đặc trưng của địa phương đến với du khách; Phát huy vai trò người uy tín, cốt cán, nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc; Sưu tầm và phục dựng các phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc để bức tranh về các dân tộc anh em sẽ càng thêm rực rỡ, sống động.
HKHI
HÌNH ẢNH THẦY CÚNG ĐANG TỔ CHỨC NGHI LỄ